Tranh luận gay gắt vụ tấm lợp amiăng gây ung thư

18-06-2014
Xung quanh việc sử dụng amiăng trắng trong sản xuất tấm lợp amiăng – xi măng, thời gian qua đã có nhiều ý kiến trái chiều, trong đó có những quan ngại về ảnh hưởng của sợi amiăng trắng tới sức khỏe con người và môi trường.


Để có đủ cơ sở khoa học và thực tiễn đưa ra các giải pháp phù hợp trong quản lý sản xuất và sử dụng tấm lợp chứa amiăng trắng ở Việt Nam, ngày 17/6, Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức Hội thảo "Quản lý và sử dụng amiăng trắng trong sản xuất tấm lợp ở Việt Nam”.

Việt Nam là một trong các quốc gia tham gia công ước kiểm soát hóa chất độc hại, Chính phủ đã cấm tuyệt đối sử dụng các chất độc hại cho môi trường và sức khỏe cộng đồng để sản xuất vật liệu xây dựng.

Đối với amiăng, nghiêm cấm việc sử dụng amiăng nhóm amfibole (amiăng nâu và xanh) trong sản xuất vật liệu xây dựng dưới mọi hình thức, chỉ cho phép sử dụng amiăng trắng (cryzotin) để sản xuất tấm lợp.

tấm lợp amiăng trắng, chất gây ung thư, bảo vệ môi trường, Tổ chức y tế thế giới
Tấm lợp amiăng trắng

Hiện nay, trên thế giới có 149 quốc gia và vùng lãnh thổ cho phép sử dụng amiăng trắng và các sản phẩm chứa amiăng.

Tại Việt Nam, sợi amiăng trắng được sử dụng chủ yếu trong sản xuất tấm lợp amiăng – xi măng. Hiện nay, cả nước có 41 cơ sở sản xuất tấm lợp amiăng xi măng.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, amiăng trắng là chất được sử dụng nhiều trong các sản phẩm, nhưng nó là chất gây nguy hại cho sức khỏe con người. Vì vậy, tổ chức này đưa ra khuyến cáo Việt Nam cần có lộ trình để hạn chế sử dụng loại vật liệu này. WHO cũng hy vọng Việt Nam đưa amiăng trắng vào phụ lục số 3 của công ước Amsterdam.

Trên cơ sở nghiên cứu thực tế, Cục quản lý môi trường y tế Bộ Y tế nêu lên vấn đề môi trường lao động của một số nhà máy không đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động còn yếu, công tác khám sức khỏe cho người lao động cũng chưa được thực hiện nghiêm túc.

Nêu lên quan điểm về vấn đề sử dụng amiăng, Bộ Y tế kiến nghị đưa nội dung “Không tiếp tục sử dụng vật liệu xây dựng có chứa amiăng trắng” vào Quy hoạch phát triển ngành vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Cấm nhập khẩu amiăng nguyên liệu và cấm sử dụng amiăng trắng trong sản xuất tấm lợp amiăng – xi măng. Đối với các mặt hàng và sản phẩm khác má phanh, cách nhiệt, cách điện sẽ có lộ trình chuyển đổi phù hợp.

Tuy nhiên, trao đổi tại hội thảo, dựa trên kết quả nghiên cứu thực tế, Bệnh viện Xây dựng cho rằng chưa có bằng chứng khẳng định amiăng trắng gây bệnh cho người lao động.

Theo ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng – Bộ Xây dựng, đã hơn 30 năm nay hai quan điểm trái ngược nhau về amiăng vẫn song song tồn tại. Quan điểm nêu ra là cấm hoàn toàn sử dụng amiăng hay chỉ cấm amiăng amphibole và cho phép sử dụng chrysotile (amiăng trắng) có kiểm soát theo Công ước 162 năm 1986 của Tổ chức Lao động Quốc tế.

Trên cơ sở đánh giá tình hình sản xuất thực tiễn và dựa trên các kết quả nghiên cứu đánh giá tại Việt Nam về ảnh hưởng của amiăng đối với sức khỏe con người, ông Tới nêu kiến nghị tiếp tục cho phép sử dụng amiăng cryzotin trong sản xuất tấm lợp với điều kiện có kiểm soát chặt chẽ và có biện pháp bảo vệ môi trường nghiêm ngặt; không cho phép đầu tư mới hay mở rộng công suất các cơ sở sản xuất tấm lợp amiăng xi măng hiện có; Từ sau năm 2025 thực hiện giảm dần công suất các nhà máy sản xuất tấm lợp amiăng xi măng.

Trao đổi tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng việc xem xét quyết định có nên tiếp tục sử dụng amiăng trắng trong sản xuất tấm lợp tiếp hay không cần phải được tiếp tục nghiên cứu việc đánh giá phải dựa trên vấn đề khoa học.

Thứ trưởng nhấn mạnh quyết định này phải dựa trên việc ưu tiên đảm bảo sức khỏe cho người lao động và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, cũng cần hài hòa lợi ích giữa các bên trên cơ sở quyền lợi của cả nhà sản xuất và người tiêu dùng dựa trên cơ sở thực tế phát triển kinh tế Việt Nam.

Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các bộ ngành, lấy ý kiến của các nhà khoa học, nghiên cứu trong và ngoài nước để có thể đưa ra những giải pháp phù hợp với tình hình cụ thể.

TIN MỚI ĐĂNG