Ảnh minh họa: Internet
CôngThương - 84% dân số trên thế giới không bị cấm sản xuất và sử dụng amiăng
Hiện nay, có ý kiến cho rằng amiăng là tác nhân gây bệnh ung thư biểu mô, nhưng cũng có ý kiến đánh giá amiăng trắng có thành phần hoá học khác với các amiăng khác nên không gây ra ung thư biểu mô.
Trên thế giới, một số nước đã cấm hoàn toàn việc sử dụng mọi loại amiăng. Tuy nhiên, khoảng 84% dân số thế giới, tương đương với hơn 6 tỷ người không bị cấm sản xuất và sử dụng amiăng.
Theo ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, với đặc tính bền, cách nhiệt, cách âm và chống ma sát, ngày nay người ta sử dụng amiăng trong ống dẫn nhiệt, bao bọc nồi hơi, cách nhiệt, cách âm, sản xuất tấm lợp...
Nếu tính trung bình 1kg amiăng sản xuất được 1,13 m2 tấm lợp và 90% lượng amiăng được sử dụng để sản xuất tấm lợp thì năm 2013 toàn thế giới đã sản xuất được 2,1 tỷ tấm lợp xi măng amiăng.
Tại Việt Nam, amiăng được sử dụng trong các ngành công nghiệp chủ yếu là nhập khẩu loại chrysotile (amiăng trắng). Lượng chrysotile nhập khẩu được sử dụng chủ yếu trong sản xuất tấm lợp fibro - ximăng.
Việt Nam hiện nay đang có 41 cơ sở sản xuất tấm lợp amiăng xi măng, năng lực sản xuất khoảng 106 triệu m2/năm. Năm 2013 sản xuất được 89 triệu m2, tiêu thụ 81,5 triệu m2. Tấm lợp amiăng xi măng là sản phẩm vật liệu hữu dụng phục vụ chủ yếu các đối tượng có thu nhập trung bình, thu nhập thấp và các mục tiêu chính sách xã hội như tái định cư, giải quyết các trường hợp thiên tai, bão lụt, động đất và các trường hợp khẩn cấp khác.
PGS. TSKH Bạch Đình Thiên - Viện trưởng Viện nghiên cứu và Ứng dụng vật liệu xây dựng nhiệt đới cho biết, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng vấn đề amiăng ngày nay là vấn đề vệ sinh công nghiệp, nó không liên quan đến sức khỏe của bộ phận cộng đồng dân cư và nhấn mạnh "nguy cơ các tác động tiêu cực của amiăng trắng lên cộng đồng dân cư là không đáng kể nếu không tiếp xúc nghề nghiệp với khoáng chất này".
Tại Mỹ, amiăng bị cấm từ những năm 1980 theo đề xuất của Cục Môi trường (EPA), nhưng đến năm 1991, Tòa thượng thẩm nước này đã hủy bỏ lệnh cấm và lệnh loại bỏ dần dần amiăng.
Tòa án Tối cao Ấn Độ (tháng 1/2011) đã bác bỏ yêu cầu của các Tổ chức phi chính phủ NGO là cấm sử dụng tất cả các loại amiăng (yêu cầu này đệ trình lên tòa án từ năm 2004). Singapore, Đài Loan (Trung Quốc) đã từng cấm amiăng nhưng đã rút khỏi danh sách các nước cấm từ 2010.
Hiện nay, Mỹ cho phép sản xuất hoặc nhập khẩu để sử dụng khoảng gần 30 sản phẩm có chứa amiăng trắng như tấm sóng amiăng xi măng, tấm phẳng amiăng xi măng, gạch lát sàn nhựa vinyl-amiăng, ống dẫn amiăng xi măng, vật liệu ma sát (vật liệu làm phanh). Tại Canada, Công ước 162 của ILO chỉ cấm sử dụng amiăng màu chứ không cấm amiăng trắng.
Kiểm soát mức amiăng cho phép
Những nghiên cứu độc học mấy năm gần đây của TS. Bernstein (Thuỵ Sỹ) cho thấy, amiăng trắng có tính bền sinh học tương đối ngắn và không gây phản ứng bệnh lý mặc dù phơi nhiễm trong 90 ngày, trong khi đó, amiăng màu bám dai dẳng trong phổi và gây ra phản ứng xơ chỉ sau 5 ngày phơi nhiễm.
Sau phơi nhiễm, amiăng trắng không gây ra phản ứng bệnh lý ở phổi cũng như ở khoang màng phổi và các sợi đào thải nhanh chóng khỏi phổi và không được tìm thấy ở bề mặt màng phổi tạng. Còn các loại amiăng khác sau phơi nhiễm 5 ngày, sợi được tìm thấy gây ra viêm tăng cường cùng với sự hình thành u hạt.
Theo TS. SPVC Rao, Phó Giám đốc Công ty HIL LTD Hyderabad (công ty amiăng xi măng lớn nhất ở Ấn Độ), nghiên cứu ngẫu nhiên 702 công nhân sản xuất xi măng amiăng thì có gần 70% số công nhân trong ngưỡng bình thường, 44,1% hạn chế và 10,5% tắc nghẽn. Nồng độ sợi ở nơi làm việc thấp hơn nồng độ cho phép quốc gia và không thấy có đối tượng nào có kết quả phơi nhiễm phóng xạ để cho thấy bị xơ hoá mô phổi.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, thời gian qua, các Bộ, ngành đã tích cực triển khai công tác đánh giá, nghiên cứu ảnh hưởng của vật liệu amiang trắng sử dụng trong tấm lợp fibro-xi măng đến sức khỏe con người.
Mới đây Bệnh viện Xây dựng đã tiến hành nghiên cứu về ảnh hưởng của amiăng trắng đối với sức khỏe người lao động tại các đơn vị sản xuất và người sử dụng tấm lợp amiăng - xi măng.
Kết quả hội chẩn phim X-quang thường và một số phim chụp CT Scanner với các trường hợp nghi ngờ cho kết quả: Không có trường hợp nào mắc bệnh bụi phổi amiăng, bụi phổi silic, mảng màng phổi; một số trường hợp có dày màng phổi khu trú kích thước nhỏ, tổn thương viêm, lao cũ, giãn phế nang, tổn thương khác tại phổi (COPD, mất góc sườn hoành...).
Kết quả khám sức khoẻ cũng cho thấy, bệnh chiếm tỷ lệ mắc cao nhất là bệnh về răng hàm mặt (sâu răng, viêm lợi...) chiếm 69,2% , bệnh viêm mũi - họng - xoang - thanh quản mạn tính chiếm 53,9%, bệnh về mắt (viêm kết mạc mạn tính, viêm bờ mi, mộng mắt...) chiếm 13,8%. Tiếp theo là các bệnh về thận - tiết niệu (sỏi thận, nang thận..), bệnh tiêu hóa (dạ dày, tá tràng, gan mật...); bệnh về cơ xương khớp (thoái hóa khớp, cột sốt ...).
Từ những nghiên cứu đã được công bố thì amiăng trắng có thể sử dụng một cách an toàn trong sản xuất ứng dụng xi măng mật độ cao.
Phần lớn các nước có sử dụng amiăng đều có quy định nồng độ bụi cho phép. Cụ thể: Mỹ quy định nồng độ bụi amiăng là 0,1 sợi/cm3 không khí; Canada là 1,0 sợi/cm3; các nước EU là từ 0,15 sợi/cm3 đến 0,5 sợi/cm3. Các nước trong khối ASEAN như Philippines là 2,0 sợi/cm3; Indonesia là 1,0 sợi/cm3; Thái Lan là 5,0 sợi/cm3; Việt Nam là 1,0 sợi/cm3.
Trước đó, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã ban hành một Bộ quy tắc thực hành có tên “An toàn trong sử dụng amiăng”(ILO,1984), trong đó đề cập đến tất cả các vấn đề có liên quan đến việc sử dụng hiện đại và có trách nhiệm đối với amiăng.
Tại Hội thảo quốc tế “Đánh giá tác động của amiăng trắng đến sức khoẻ con người - Biện pháp quản lý phù hợp” do Bộ Xây dựng phối hợp với Ủy ban KHCN và Môi trường của Quốc hội, Bộ Khoa học và Công nghệ đồng chủ trì tổ chức, nhiều chuyên gia cho rằng: Các kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy những tác động tiêu cực liên quan đến sợi amiăng màu nghiêm trọng hơn amiăng trắng.
Hầu hết ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, Bộ Xây dựng nên trình Thủ tướng Chính phủ tiếp tục cho phép sử dụng amiăng trắng có kiểm soát để sản xuất tấm lợp ổn định, lâu dài trong định hướng phát triển ngành vật liệu xây dựng đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, để doanh nghiệp có điều kiện, an tâm đầu tư hiện đại hóa công nghệ.
Trong tháng 12 này, thực hiện ý chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng vừa tổ chức hội thảo "Đánh giá tác động của amiăng trắng đến sức khỏe con người" để có thêm thông tin cung cấp cho cơ quan quản lý và cộng đồng kiến thức về tác động của amiăng trắng đến sức khỏe con người và môi trường là hữu ích và cần thiết.