Giám sát các bệnh liên quan đến Amiăng tại bệnh viện Việt Nam

11-09-2013
Ngày 20/6, Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế đã phối hợp với Tổ chức Công đoàn Australia tổ chức hội thảo "Giám sát các bệnh liên quan đến Amiăng tại bệnh viện ở Việt Nam".

 Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Tổ chức Y tế thế giới và cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế khuyến cáo Amiăng là một chất có khả năng gây ung thư và bệnh liên quan như bệnh bụi phổi - Amiăng, bệnh màng phổi, bệnh ung thư biểu mô. Amiăng là chất độc hại trong danh mục các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động. Ở Việt Nam, Amiăng đã được sử dụng từ năm 1960 và hiện được kiểm soát theo qui định của Công ước Quốc tế ILO 162 về sử dụng Amiăng. Trước nguy cơ sức khoẻ của người lao động tiếp xúc với Amiăng trong môi trường lao động, Bộ Y tế đã triển khai nhiều biện pháp để đảm bảo sức khoẻ người lao động và phòng chống bệnh liên quan đến Amiăng như: Ban hành Thông tư hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động, sức khoẻ người lao động và bệnh nghề nghiệp, trong đó có bệnh Amiăng; quy định tiêu chuẩn bụi Amiăng trong môi trường lao động; bệnh bụi phổi - Amiăng đã được đưa vào Danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm ở Việt Nam từ năm 1976... Tuy nhiên, công tác giám sát tác hại của Amiăng lên sức khoẻ con người và môi trường còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, hội thảo được tổ chức nhằm cập nhật, chia sẻ thông tin về giám sát các bệnh liên quan đến Amiăng trên thế giới và thảo luận khả năng xây dựng hệ thống giám sát các bệnh liên quan đến Amiăng tại bệnh viện ở Việt Nam.

Thạc sĩ Trương Lê Vân Ngọc, Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết: Ước tính trên thế giới có khoảng 125 triệu người phơi nhiễm với Amiăng ở nơi làm việc và trên 107.000 người tử vong mỗi năm do bệnh ung thư phổi, u trung biểu mô và bệnh bụi phổi - Amiăng do phơi nhiễm nghề nghiệp. Amiăng là một loại bụi khoáng chứa hợp chất silicat kép magie, có dạng hình sợi, có tính cách nhiệt, cách điện và chống mòn cao. Amiăng được sử dụng rộng rãi trong xây dựng, sản xuất tấm lợp amiăng - xi măng, ống dẫn nước, nồi hơi, các vật liệu cách nhiệt, các điện... Hiện nay, trên thế giới có khoảng trên 3.000 sản phẩm công nghiệp và dân dụng có chứa amiăng. Amiăng xâm nhập vào cơ thể chủ yếu qua đường hô hấp, đường tiêu hoá và đâm xuyên qua da gây nên một số bệnh như: bệnh bụi phổi - amiăng, ung thư đường hô hấp, ung thư trung biểu mô, dày màng phổi hoặc vôi hoá màng phổi... Từ năm 2000, hàng năm Việt Nam nhập khẩu trung bình trên 60.000 tấn Amiăng/năm và ước tính trên 95% dùng cho sản xuất tấm lợp amiăng - xi măng.

Tiến sĩ Lương Mai An, Cục Quản lý môi trường, Bộ Y tế khẳng định: Bệnh liên quan đến Amiăng là bệnh ít có khả năng điều trị nhưng dự phòng được. Ở Việt Nam có nguy cơ phát sinh và phát triển biện liên quan đến Amiăng. Bệnh thường phát triển chậm, xuất hiện từ 20 - 30 năm và riêng với bệnh ung thư trung biểu mô có thể xuất hiện sau 40 - 50 năm kể từ lần tiếp xúc đầu tiên. Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có hệ thống giám sát bệnh liên quan đến Amiăng tại bệnh viện.

Theo kết quả bước đầu xây dựng hệ thống giám sát bệnh viện ở Việt Nam năm 2012 về "Đặc điểm bệnh liên quan đến Amiăng trong các trường hợp nhập viện cho thấy: bệnh ung thư trung biểu mô màng phổi chiếm 10,3%, ung thư phổi 76,5%, ung thư phế quản phổi 12,3% và dày, dính màng phổi là 0,9%; 74,7% nam giới mắc các bệnh liên quan đến Amiăng và tỷ lệ này ở nữ giới là 25,3%...

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề liên quan như: Những ảnh hưởng đến sức khoẻ của Amiăng; cơ chế thu thập thông tin về Amiăng; dự thảo hệ thống giám sát các bệnh liên quan đến Amiăng tại Việt Nam.../.

TIN MỚI ĐĂNG