Môi trường và sức khỏe của người lao động sản xuất tấm lợp A - C

18-11-2013
Tấm lợp A-C là loại vật liệu xây dựng phù hợp với nhu cầu vật liệu lợp của đa số nhân dân, đặc biệt là miền núi và đồng bằng sông Cửu Long nhờ các đặc tính cơ bản: rẻ tiền, bền với các điều kiện thời tiết nóng, ẩm, mặn, tiết kiệm bộ xương mái khi lợp và rất dễ sử dụng.

  

 

Hiện có 42 đơn vị đang sản xuất tấm lợp A-C tại Việt Nam, trong đó 32 đơn vị là thành viên của Hiệp hội tấm lợp VN, 10 đơn vị là các cơ sở sản xuất   tấm lợp nhỏ lẻ tại các địa phương. Số lao động làm việc trong các dây chuyền sản xuất tấm lợp A-C khoảng 5000 lao động, làm việc tại các vị trí nghiền, xé bao amiang, trộn nguyên liệu, tạo hình sản phẩm (xeo, cán tấm lợp, tạo sóng, dỡ khuôn…), bốc xếp, bảo dưỡng sản phẩm, nghiền giấy, nghiền xi măng, vận hành nồi hơi. Theo Hiệp hội tấm lợp Việt Nam, sản lượng tấm lợp A-C năm 2009, đạt 74.840.000 m2 tấm lợp, tiêu thụ 52.626 tấn amiang. Năm 2010, thống kê trên 19 đơn vị đạt 74.000.000 m2 tấm lợp, tiêu thụ khoảng 44.400 tấn amiang.

 

Để đảm bảo an toàn môi trường và bảo vệ sức khỏe người lao động, đã có văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này như Công ước quốc tế 162 năm 1986 về đảm bảo sản xuất an toàn theo hướng “có kiểm soát”. Ngày 20/7/2004, Thủ tướng Chính phủ ban hành QĐ 133/2004/QĐ-TTg, nêu rõ: Nghiêm cấm sử dụng Amiăng amphibole (Amiăng nâu và xanh) trong sản xuất tấm lợp.Các CSSX tấm lợp sử dụng amiăng phải bảo đảm nghiêm ngặt các yêu cầu về tiêu chuẩn môi trường và y tế; không đầu tư mới, không mở rộng các CSSX tấm lợp có sử dụng cốt sợi Amiăng Cryzotyl. Thông tư liên tịch số 1529/1998/TTLT-BKHCN-BXD ngày 17/10/1998 ban hành quy định  các biện pháp đảm bảo an toàn sức khỏe cho công nhân trong sản xuất tấm lợp A-C ở Việt Nam

 

Bộ Xây dựng cũng đã chỉ đạo các đơn vị triển khai nghiên cứu vật liệu thay thế, tăng cường hoạt động giám sát sức khỏe NLĐ, thực hiện các biện pháp cải tiến công nghệ nhằm giảm thiểu ô nhiễm, cải thiện môi trường lao động. Xây dựng các tiêu chuẩn của Ngành (TCXD) về nồng độ các chất độc hại cho phép trong MTLĐ cuả ngành sản xuất tấm lợp A-C; Xây dựng tiêu chuẩn phương pháp xác định nồng độ bụi sợi chuyển dịch từ tiêu chuẩn Quốc tế ISO-8672-1993 về phương pháp xác định nồng độ bụi sợi ; Xây dựng mô hình thí điểm xử lý chất thải đồng bộ kể cả bụi, khí thải, nước thải và chất thảo rắn cho  CSSX tấm lợp A-C, đã được nghiên cứu áp dụng tốt ở Công ty CP đầu tư xây lắp và VLXD Đông Anh.

 

Nhằm nghiên cứu tình hình sức khỏe người lao động sản xuất tấm lợp A-C và bệnh ung thư  nghề nghiệp do tiếp xúc với amiăng và đề xuất biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp. Từ năm 2008 - 2010, Bệnh viện Xây dựng kết hợp với Hiệp hội tấm lợp Việt Nam, các cơ sở sản xuất A-C tiến hành khảo sát đo, đánh giá môi trường lao động, khám sức khoẻ định kỳ toàn diện, khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động làm việc tại các cơ sở sản xuất tấm lợp A-C với mục tiêu đánh giá thực trạng môi trường lao động và ô nhiễm bụi tại các cơ sở sản xuất tấm lợp A-C; Nghiên cứu tình hình sức khoẻ và bệnh bụi phổi amiang (asbestos) ở người lao động. Trên cơ sở đó, đề xuất và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn – vệ sinh lao động, giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại nơi làm việc, phòng chống bệnh nghề nghiệp, bảo vệ sức khỏe cho người lao động sản xuất  tấm lợp A-C, đồng thời góp phần giúp các cơ quan Nhà nước có căn cứ  để hoạch định chính sách sản xuất cho ngành tấm lợp A-C.

 

Kết quả đo môi trường lao động tại các cơ sở sản xuất cho thấy về độ ẩm tại thời điểm đo vượt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép năm 2008 là 2,8%, năm 2009 -  23,6% ; năm 2010 - 7,7%. Về ánh sáng, các vị trí trong MTLĐ của các dây chuyền SX chủ yếu sử dụng ánh sáng tự nhiên nên số mẫu hầu hết đạt tiêu chuẩn cho phép. Về tiếng ồn, tỷ lệ mẫu đo tiếng ồn vượt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép có xu hướng tăng, năm 2008 là 7,7%; năm 2009 là 16,7%; năm 2010 là 32,8%. Nguyên nhân do thời gian gần đây nhiều đơn vị đã đầu tư máy tạo sóng chân không thay cho việc tạo sóng bằng tay nên phát sinh tiếng ồn lớn.  Về khí thải, tại một số đơn vị có sử dụng lò hơi đốt than trong sản xuất, các mẫu đo khí thải tại các khu vực này đều đạt tiêu chuẩn cho phép.

 

TT

Nội dung

Năm 2008

Năm 2009

Năm 2010

 

 

TS mẫu đo

Số mẫu vượt TCCP

TS mẫu đo

Số mẫu vượt TCCP

TS mẫu đo

Số mẫu vượt TCCP

1

Bụi toàn phần

143

2

1,4%

48

6

12,5%

82

6

7,3%

2

Bụi hô hấp

143

2

1,4%

48

2

4,2%

82

5

6,1%

3

bụi sợi

amiăng

139

1

0,7%

56

3

5,4%

74

1

1,4%

 

 

425

 

152

11

7,2%

238

12

5,0%

                           Bảng kết quả đo nồng đọ bụi tại các cơ sở sản xuất

 

Bảng trên cho thấy, số mẫu đo bụi vượt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép  từ 1,2 – 7,2%. Tại khu vực nạp liệu của một số đơn vị sử dụng dây chuyền thủ công, xi măng không bơm tự động qua vít tải mà người lao động phải xé đổ bao xi măng vào bể trộn như ở Công ty CP Sông Hồng 27; Công ty CP đầu tư VLXD Đoan Hùng; Công ty CP Nam Long; CT Tân Đức Phú... vượt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép. Tuy nhiên hoạt động này không diễn ra thường xuyên, khoảng 30 - 40 phút/ca lao động.

 

Nồng độ bụi sợi Amiăng: Năm 2008 có 01 mẫu đo bụi Amiang vượt  tiêu chuẩn vệ sinh cho phép (1,3 sợi/ml), tại khu vực xúc Amiăng đổ vào cửa máy nghiền tại Công ty CP Bạch Đằng (Nam Định). Tuy nhiên tại đây khu vực này được bao kín bằng kính, công nhân chủ yếu làm việc ở khu vực tủ điều khiển.

 

 

Năm 2009 có 03 mẫu bụi Amiang vượt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép tại khu vực nghiền Amiang của Công ty VLXD Đoan Hùng (0,6 sợi/ml), khu vực xé bao đổ Amiang của Công ty CP CĐ LK Thái nguyên ( 0,7 sợi/ml); khu vực nghiền Amiang - tấm lợp Bỉm Sơn của Công ty Tân Đức Phú (1,3 sợi/ml), năm 2010 có 01 mẫu cũng tại khu vực này (1,0 sợi/ml)

 

Kết quả kiểm tra cho thấy tình hình sức khỏe công nhân sản xuất tấm lợp A-C chủ yếu  là loại II, III chiếm tỷ lệ cao (từ 85,7% - 88,8%), trong đó loại II chiếm 47,6% - 54,3%, loại III chiếm 34,5% - 38,1%. Sức khỏe loại IV chiếm tỷ lệ từ 4,6% - 9,2%; sức khỏe loại I chiếm 3,5% - 6,4%, sức khỏe loại V chiếm tỷ lệ rất thấp ( từ 0 - 0,2%).

 

Nhìn chung, công nghệ sản xuất tấm lợp phibrôximăng của VN còn lạc hậu, nhiều công đoạn chưa được cơ giới hóa, không ít công đoạn vẫn gây phát tán ô nhiễm, môi trường lao động, có nồng độ amiăng cao hơn tiêu chuẩn cho phép, có hại cho đường hô hấp. Tuy nhiên, tỷ lệ công nhân mắc bệnh do bụi phổi amiăng không cao, hiện nay chưa phát hiện công nhân mắc bệnh ung thư phổi do bụi amiăng. 


Để khắc phục triệt để, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục sức khoẻ cho người lao động và người sử dụng lao động, liên tục hàng năm. Người lao động phải được trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân và tập thể, đặc biệt  sử dụng khẩu trang đặc hiệu lọc bụi hô hấp thường xuyên khi làm việc tại môi trường lao động có nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp nói chung và bệnh bụi phổi nói riêng. Tổ chức giám sát môi trường lao động, khám sức khoẻ định kỳ và lập hồ sơ theo dõi bệnh nghề nghiệp cho công nhân khối sản xuất vật liệu xây dựng A-C ít nhất mỗi năm một lần. Nghiên cứu và cải tiến quy trình sản xuất, ứng dụng công nghệ sạch, hiện đại vào sản xuất nhằm giảm thiểu ô nhiễm bụi môi trường lao động như quy trình xé bao Amiang tự động, sử dụng các vít tải tự động bơm xi măng, cơ giới hóa, tự động hóa, hạn chế lao động thủ công...

 

TS. BS Lê Thị Hằng - Bệnh viện Xây dựng

TIN MỚI ĐĂNG