Thực trạng nhập khẩu, sử dụng amiang trắng để sản xuất tấm lợp ở Việt Nam

04-04-2014
Ngày 01/4/2014, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo "Đánh giá thực trạng nhập khẩu, sử dụng amiang trắng để sản xuất tấm lợp ở Việt Nam" dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Cao Quốc Hưng. Tham dự Hội thảo có đại diện của Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam, Hội Hóa học Việt Nam, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đại diện một số doanh nghiệp nhập khẩu amiang trắng và nhà máy sản xuất tấm lợp tại Việt Nam.

Hội thảo được tổ chức nhằm lấy ý kiến của các Bộ, ngành và các chuyên gia trong lĩnh vực amiang để trả lời ý kiến của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về định hướng cho việc quản lý nhập khẩu, sử dụng amiang trắng để sản xuất tấm lợp tại Việt Nam, cũng như có cơ sở chuẩn bị cho việc tham gia Hội nghị lần thứ 7 Công ước Rotterdam của Việt Nam.

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng chủ trì Hội thảo

Báo cáo tại Hội thảo, ông Lưu Hoàng Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Hóa chất cho biết: Amiang nâu, amiang xanh, amiang trắng được sử dụng sản xuất tấm lợp ở Việt Nam từ năm 1963. Năm 2004, theo Quyết định số 133/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hai loại amiang nâu và xanh đã bị cấm, chỉ còn amiang trắng được nhập khẩu, sử dụng. Các năm gần đây, Việt Nam luôn nằm trong số các nước nhập khẩu nhiều amiang trắng. Theo số liệu tổng hợp của Cục Hóa chất, năm 2013 Việt Nam nhập khẩu khoảng 45.000 tấn, quý I năm 2014, nhập khẩu khoảng 7.720 tấn sử dụng trong sản xuất tấm lợp. Năm 2013, Việt Nam có 39 nhà máy sản xuất tấm lợp, sản xuất khoảng 90 triệu m2 tấm lợp và tiêu thụ hơn 80m2 tấm lợp.

Ông Lưu Hoàng Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Hóa chất, Bộ Công Thương

Việt Nam cũng đã xây dựng và ban hành một số văn bản pháp lý quản lý tình hình nhập khẩu và sử dụng amiang như: Quyết định 121/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020, quy định: “Nghiêm cấm việc sử dụng amiang nâu và xanh trong sản xuất tấm lợp. Các cơ sở sản xuất tấm lợp sử dụng amiang trắng phải không ngừng đầu tư chiều sâu, hoàn thiện công nghệ bảo đảm nghiêm ngặt các yêu cầu về tiêu chuẩn môi trường và y tế”; Thông tư 19/2011/TT-BYT của Bộ Y tế về hướng dẫn quản lý môi trường lao động và sức khỏe người lao động có tiếp xúc với amiang; Nghị định 26/2011/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2008/NĐ-CP quy định amiang trắng thuộc Phụ lục V, Danh mục các hóa chất phải khai báo.

Amiang trắng và những tranh luận trái chiều

Phát biểu tại Hội thảo, đại diện cho các nhà sản xuất, ông Võ Quang Diệm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam khẳng định, amiang trắng được sử dụng trong sản xuất tấm lợp xi măng bởi những tính năng ưu việt, rất phù hợp với điều kiện môi trường và chi phí thấp. Một số nhà máy hiện đã làm chủ hoàn toàn về công nghệ, với dây chuyền tự động hóa, không gây ô nhiễm môi trường, do đó, việc sử dụng sợi amiang trắng trong sản xuất tấm lợp không gây ra ảnh hưởng tiêu cực như dư luận đã nghĩ.

Ông Võ Quang Diệm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam

Ông Lê Thế Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết, trong Dự thảo trình Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Bộ Xây dựng đã đề nghị tiếp tục cho phép sử dụng amiang trắng để sản xuất tấm lợp với điều kiện phải kiểm soát chặt chẽ. Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động có sử dụng amiang của các doanh nghiệp và cương quyết xử lý với các đơn vị vi phạm.

Ông Lê Thế Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng

Ông Trần Thế Loãn, Quyền Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng nên đưa việc sản xuất amiang trắng vào dạng sản xuất kinh doanh có điều kiện để tăng cường quản lý amiang, tiến tới không cho phép mở thêm các nhà máy mới để sản xuất tấm lợp amiang do năng lực sản xuất đã vượt quá nhu cầu trong nước.

Cũng tại Hội thảo, bà Lê Thị Hằng, Giám đốc Bệnh viện Xây dựng thông báo các kết quả nghiên cứu trong những năm vừa qua cho thấy, bệnh nghề nghiệp trong ngành sản xuất tấm lợp không có khác biệt nhiều, thậm trí thấp hơn so với một số ngành công nghiệp khác so với một số ngành công nghiệp khác. Các kết quả nghiên cứu của Cục Quản lý Môi trường y tế, Bộ Y tế trong chương trình loại bỏ bệnh nghề nghiệp liên quan đến amiang cũng cho những kết quả tương tự chứng tỏ chưa thể hiện rõ tác hại gây ung thư của amiang trắng.

Bà Lê Thị Hằng, Giám đốc Bệnh viện Xây dựng

Tuy nhiên, Đại diện Tổ chức y tế thế giới (WHO) tham dự tại Hội thảo đã khuyến cáo các nhà quản lý Việt Nam lưu tâm đến bài học từ các nước phát triển đã sử dụng amiang trắng, đừng vì lợi ích trước mắt mà ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Quan điểm của Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế và Hội Hóa học Việt Nam khá đồng thuận khi đề nghị các nhà sản xuất cân nhắc các tác động của sợi amiang trắng đối với sức khỏe con người. Bà Lương Mai Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế quan ngại về vấn đề thực thi các quy định pháp luật, các quy chuẩn kỹ thuật tại các nhà máy sản xuất bởi thực tiễn khó kiểm soát được và khuyến nghị các nhà sản xuất tấm lợp nên tìm những vật liệu có thể thay thế amiang trắng. Tới đây Cục Quản lý môi trường y tế sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, chấp thuận đưa amiang trắng vào Phụ lục III của Công ước Rotterdam.

Sức khỏe cộng đồng được đặt lên hàng đầu

Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng đã thẳng thắn chia sẻ quan điểm: trong mọi quá trình sản xuất, cần phải coi sức khỏe cộng đồng là yếu tố hàng đầu. Thứ trưởng khẳng định: amiang trắng có tính ưu việt, chi phí thấp, giá thành thấp, phù hợp với điều kiện khí hậu Việt Nam, nhưng nếu amiang trắng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người thì phải có biện pháp kiểm soát chặt chẽ. Vấn đề là cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, cẩn thận để xác định ảnh hưởng của amiang trắng đến sức khỏe con người đến đâu, có hay không, ít hay nhiều, từ đó đề xuất hướng đi và cũng cần phải xây dựng một lộ trình cụ thể. Thứ trưởng cũng đánh giá cao việc các nhà sản xuất có ý thức giảm thiểu những tác động xấu của amiang tới sức khỏe người lao động, chăm sóc, khám sức khỏe định kỳ cho người lao động; tránh gây ô nhiễm tới môi trường xung quanh, v. v…

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng phát biểu kết luận Hội thảo

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cũng đồng tình với các kiến nghị của Bệnh viện Xây dựng trong việc yêu cầu người sử dụng lao động có trách nhiệm kiểm soát, ngăn ngừa sự phát tán bụi amiang trong môi trường lao động; chăm sóc sức khỏe người lao động; tiến hành đồng thời các biện pháp kỹ thuật, vệ sinh nhằm bảo vệ người lao động một cách tốt nhất.

Tại Hội nghị các nước thành viên của Công ước Rotterdam lần thứ 4 năm 2009 tổ chức tại Ý và lần thứ 5 năm 2011 tổ chức tại Thụy Sỹ, amiang trắng đã được đề nghị đưa vào Phụ lục III của Công ước Rotterdam, là Phụ lục các loại hóa chất công nghiêp và thuốc bảo vệ thực vật thuộc diện phải quản lý đặc biêt, nhưng không đạt được sự đồng thuận 100% của các quốc gia thành viên. Tại Hội nghị lần thứ 6, trên tổng số hơn 150 nước tham dự, Việt Nam cùng sáu nước: U-crai-na, Ca-dắc-xtan, Cư-rơ-gư-dơ-xtan, Liên bang Nga, Dim-ba-bu-ê và Ấn Độ chưa tán thành đưa amiang trắng vào Phụ lục III. Việc xem xét vấn đề trên sẽ được tiếp tục đưa ra thảo luận và lấy biểu quyết tại Hội nghị lần thứ 7 tổ chức vào năm 2015.

 

Báo Công thương

TIN MỚI ĐĂNG