Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên ổn định và phát triển sản xuất

04-04-2014
(LĐXH) Ngày 25/3/2014, Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2013 và triển khai kế hoạch năm 2014 nhằm thông tin về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thành viên, những hoạt động nổi bật của Hiệp hội trong thời gian qua và thảo luận những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2014 để giúp các doanh nghiệp ngành sản xuất tấm lợp tiếp tục ổn định và phát triển.

 

 

Để bảo vệ ngành sản xuất tấm lợp Phibro ximăng, các doanh nghiệp phải chấp hành

nghiêm chỉnh các qui định về sử dụng amiăng trắng có kiểm soát trong sản xuất.

Theo báo cáo, năm 2013 mặc dù còn rất nhiều khó khăn, song kết quả sản xuất kinh doanh của ngành tấm lợp Phibroximăng vẫn tăng trưởng do ít bị ảnh hưởng của thị trường bất động sản đóng băng, đầu tư công giảm. Mặt khác, nhiều địa phương trên cả nước liên tiếp bị thiên tai, bão lũ, lốc xoáy làm cho nhu cầu tiêu thụ tấm lợp nhích lên nhờ giá cả hợp lý, cung cấp kịp thời. Năm 2013, toàn ngành đã sản xuất 89,35 triệu m2 tấm lợp, tăng 5,8% so với năm 2012; tiêu thụ 81,9 triệu m2, tăng 4,5% so với năm 2012. Những doanh nghiệp có thương hiệu uy tín như Tấm lợp Đông Anh, Bạch Đằng, Thái Nguyên, Nam Sơn, Quảng Phúc, Hoàng Long, Đất Phương Nam sản xuất và tiêu thụ tốt, sản phẩm tồn kho ít, có tăng trưởng cả về sản lượng và doanh thu. Bên cạnh đó, còn một số doanh nghiệp qui mô nhỏ, thương hiệu, chất lượng chưa ổn định, chưa hấp dẫn người tiêu dùng thì tiêu thụ khó khăn hơn.
Trong năm 2013 vừa qua, hoạt động của Ban chấp hành (BCH), thường trực BCH, Văn phòng Hiệp hội sôi động và hiệu quả hơn, các công việc đề ra đều được thực hiện với kết quả tốt, mối quan hệ giữa Văn phòng Hiệp hội với các doanh nghiệp thành viên ngày càng được cải thiện. Các doanh nghiệp tin tưởng và ủng hộ các hoạt động của thường trực BCH Hiệp hội. Cụ thể, Hiệp hội đã bám sát Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Vật liệu xây dựng Việt Nam đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030, mà trong đó có những chính sách, quan điểm về amiăng trắng của Chính phủ giai đoạn 2014 – 2020 hết sức quan trọng đối với ngành tấm lợp phibro xi măng. Đại diện của Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam đã tham gia góp ý vào Quy hoạch, tham gia Hội đồng nghiệm thu, góp ý kiến cho tờ trình và dự thảo Quyết định phê duyệt của Thủ tướng. Đến cuối năm 2013, Quy hoạch đã được trình Thủ tướng Chính phủ. Những vấn đề liên quan đến tấm lợp phibro xi măng vẫn giữ tinh thần của Quyết định 121/2008/QĐ-TTg, nhưng yêu cầu quản lý, giám sát cao hơn, chặt chẽ hơn về công nghệ, môi trường và chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, Hiệp hội đã triển khai các nội dung công việc liên quan đến Công ước Rotterdam. Công ước này có hiệu lực từ năm 2004 với mục đích hợp tác và chia sẻ trách nhiệm giữa các bên tham gia đối với các hóa chất Công nghiệp và thuốc bảo vệ thực vật nguy hại trong thương mại quốc tế nhằm bảo vệ sức khỏe con người và môi trường trước nguy cơ tiềm ẩn do chúng gây ra. Đặc biệt, Công ước Rotterdam có phụ lục III là danh mục các loại thuốc trừ sâu và hóa chất công nghiệp bị cấm hoặc bị kiểm soát nghiêm ngặt, nghĩa là những chất bị đưa vào phụ lục này bị cấm hoặc kiểm soát chặt chẽ trong buôn bán, vận chuyển, sử dụng. Amiăng cũng thuộc hóa chất công nghiệp.
Nhận thức được tầm quan trọng của Công ước này, BCH Hiệp hội đã chủ động triển khai nhiều công việc như: Cử đại diện tham gia với tư cách là quan sát viên; Làm văn bản kiến nghị gửi Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành. Hoạt động của BCH Hiệp hội đã góp phần tích cực vào kết quả của Hội nghị Công ước Rotterdam lần thứ 6 tại Giơ ne vơ, Thụy Sỹ, kết quả như mong đợi, Amiăng trắng chưa bị đưa vào phụ lục III, nhưng trong tương lai, năm 2015 sẽ khó khăn, phức tạp và sẽ bị quản lý chặt chẽ, nghiêm ngặt hơn trong nhập khẩu, vận chuyển và sử dụng..
Một trong những hoạt động quan trọng của Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam là phối hợp với các doanh nghiệp khám bệnh nghề nghiệp và đo môi trường lao động. Năm 2013, Hiệp hội và Bệnh viện Xây dựng đã triển khai khám sức khỏe cho hơn 500 công nhân của 6 doanh nghiệp. Qua hội chẩn phim không phát hiện các bệnh liên quan đến amiăng. Từ năm 2008 đến 2013, Chương trình khám bệnh nghề nghiệp đã khám và đọc phim cho 3.506 trường hợp.
Cũng trong năm 2013, Hiệp hội đã duy trì tốt mối quan hệ với các Bộ, ngành như tổ chức một đoàn cán bộ quản lý của một số Bộ, ngành đi công tác tại Liên bang Nga, làm việc với Viện nghiên cứu Y học lao động Liên bang Nga; Tham dự Hội nghị Quốc tế về amiăng chrysotile tại Niu Đêli - Ấn Độ. Tại Hội nghị này, chúng ta đã thu thập được nhiều tài liệu, báo cáo khoa học, kết quả nghiên cứu quan trọng về amiăng trắng và có cơ sở khoa học để giải thích, bảo vệ quan điểm “sử dụng amiăng trắng có kiểm soát, đảm bảo an toàn sức khỏe và môi trường”. Hiệp hội cũng đã Tổ chức cho đại diện một số Bộ, ngành tham quan và chứng kiến việc khám bệnh nghề nghiệp, đo môi trường lao động tại Công ty CP Đầu tư – Xây lắp và VLXD Đông Anh để mọi người thấy được việc khám bệnh nghề nghiệp và đo MTST được thực hiện nghiêm túc và khoa học…
Tháng 10/2013, UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã có văn bản gửi các Bộ Xây dựng, Công thương đề nghị tổ chức nghiên cứu, xem xét, đánh giá thực trạng khai thác, nhập khẩu, sử dụng Amiăng trắng ở Việt Nam và thế giới để có biện pháp hữu hiệu bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng. Văn bản này đã gây bất lợi cho ngành tấm lợp phibrô xi măng, vì đang trong giai đoạn Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển VLXD ở Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 và Quốc hội đang xem xét sửa đổi Luật Xây dựng và Luật Bảo vệ Môi trường. Sự việc này đặt BCH Hiệp hội và các doanh nghiệp trong ngành phải giải thích và hành động để các cơ quan hành pháp, lập pháp, người tiêu dùng và dư luận xã hội hiểu hơn về ngành sản xuất tấm lợp.
Theo TS Võ Quang Diệm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam, năm 2014, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hiệp hội là tham gia các hoạt động phản biện xã hội, phản biện lại những nhận định, kết luận thiếu khách quan, sai sự thật, gây bất lợi cho ngành. Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực của Hiệp hội, rất cần có sự đồng tâm, hiệp lực, đóng góp trí tuệ và nguồn lực của các doanh nghiệp. Có như vậy mới có thể bảo vệ được ngành sản xuất tấm lợp. Đơn vị nào cũng sạch sẽ như Công ty Bạch Đằng, chất lượng đạt QCKT như Navifico, Đông Anh thì chẳng có lý do gì để cấm sản xuất cả! ./.

Thảo Lan - Báo Tạp chí Lao động và xã hội online

TIN MỚI ĐĂNG