Tận thu tro xỉ thải sản xuất vật liệu xây dựng

08-04-2014
(Xây dựng) - Việc tận thu tro xỉ thải của các nhà máy nhiệt điện đốt than làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) là biện pháp hữu hiệu để tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, tại Việt Nam đây vẫn còn là một bài toán khó...

Phong phú nguồn tài nguyên tro xỉ thải

Thống kê cho thấy, từ năm 2013, riêng lượng tro xỉ thải hằng năm tại 5 nhà máy nhiệt điện đốt than của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) khi phát đủ công suất ước tính khoảng 2,8 triệu tấn/năm.

Dự báo, đến năm 2030, khi tổng công suất nhiệt điện đốt than của cả nước tăng lên khoảng 77 nghìn MW, kéo theo tăng lượng than tiêu thụ là 176 triệu tấn thì lượng tro xỉ thải sẽ đạt 35 triệu tấn/năm và thải ra bầu khí quyển một lượng khí SOx khổng lồ, ước tính khoảng 5 triệu tấn/năm.

Còn theo chiến lược phát triển ngành điện, chiến lược phát triển các ngành sản xuất công nghiệp sử dụng than, sản xuất hóa chất phân bón thì năm 2020 nước ta sử dụng khoảng 67,36 triệu tấn than cho nhiệt điện, hàng chục triệu tấn than cho ngành sản xuất thép và công nghiệp khác, đồng nghĩa với thải gần 50 triệu tấn tro, xỉ, thạch cao ra môi trường. Con số này ngày càng cao ở các năm tiếp theo.

Trước thực trạng trên, các chuyên gia nhận định, việc nghiên cứu tận thu tro xỉ thải của các nhà máy nhiệt điện đốt than làm nguyên liệu sản xuất VLXD là vấn đề đáng quan tâm hiện nay, nhằm giảm bớt những tác hại đến môi trường. Tuy nhiên, để tìm kiếm những giải pháp sử dụng tro xỉ sao cho hiệu quả nhất không phải là bài toán đơn giản... Trên thế giới, các quốc gia phát triển luôn khuyến khích sử dụng tro xỉ than từ nhà máy nhiệt điện trong xây dựng đường sá và đôi khi là điều kiện bắt buộc.

Tại Việt Nam, một số nhà máy thu hồi chế biến tro bay và sản xuất gạch không nung từ tro xỉ đã được xây dựng vận hành ở gần một số nhà máy nhiệt điện như tại Nhà máy Sản xuất tro bay Phả Lại với công suất 40 nghìn tấn/tháng; Nhà máy Chế biến tro bay Cao Cường có công suất 80 nghìn tấn sản phẩm/năm; Xưởng tuyển tro bay của BQL công trình Thủy điện Sơn La có công suất 10 nghìn tấn/tháng...

Thế nhưng, theo các chuyên gia khoa học, việc thu hồi tro xỉ không hề đơn giản bởi phần lớn các nhà máy nhiệt điện đang hoạt động tại Việt Nam đều chưa có hệ thống thu hồi chất thải, hoặc có nhưng hiệu quả thấp và không đồng đều. Thậm chí, còn rất nhiều nhà máy nhiệt điện được xây dựng từ thập niên 60 của thế kỷ trước như Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình, Phả Lại I, Uông Bí.

Tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường

Để giải quyết vấn đề này, mới đây, Bộ Xây dựng đã có Tờ trình số 18/Ttr-BXD ngày 31/3/2014 gửi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cơ chế thực hiện xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất để làm nguyên liệu sản xuất VLXD giai đoạn 2014 – 2020, định hướng đến năm 2030.

Theo tờ trình, nếu có cơ chế, giải pháp và tổ chức thực hiện tốt việc sử dụng nguồn phế thải này làm nguyên liệu sản xuất VLXD thì nước ta sẽ không phải sử dụng hàng ngàn ha đất làm diện tích chứa thải, giảm khai thác hàng chục triệu tấn khoáng sản để làm nguyên liệu cho các ngành sản xuất VLXD mỗi năm và tiết kiệm được nguồn kinh phí lớn do không phải xử lý các tác động của khối chất thải này đối với môi trường và cộng đồng. Điều đó sẽ tạo điều kiện để các ngành sản xuất điện, phân bón, thép và sản xuất VLXD phát triển bền vững và thân thiện với môi trường.

Thực tế cho thấy, các nước phát triển trên thế giới và khu vực đã rất thành công trong việc xử lý, sử dụng thạch cao, tro, xỉ từ sản xuất điện, hóa chất làm nguyên liệu sản xuất VLXD. Tại Pháp, có đến 99% lượng tro xỉ than thải ra được tái sử dụng. Tại Nhật Bản, con số này là 80%, tại Hàn Quốc là 85%.

Bộ Xây dựng đánh giá, tại Việt Nam, nhiều tổ chức, cá nhân sản xuất điện, hóa chất, sản xuất VLXD, các cơ sở nghiên cứu đã có nhiều biện pháp xử lý, sử dụng thạch cao, tro, xỉ để làm nguyên liệu sản xuất xi măng, VLXD, làm các loại bê tông, nền móng, kè, đập rất hiệu quả, thay thế một phần tài nguyên đất để sản xuất VLXD, giảm áp lực diện tích đất làm bãi chứa và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên những nghiên cứu này mới chỉ mang tính tự phát. Bên cạnh đó lại có những tổ chức, cá nhân còn xin nhập tro, xỉ để sản xuất VLXD. Các tổ chức, cá nhân đầu tư, sản xuất điện, thép, hóa chất, các cơ sở sản xuất công nghiệp có thải ra tro, xỉ, thạch cao và các cơ sở sản xuất VLXD đang rất cần cơ sở pháp lý để việc xử lý, sử dụng thạch cao, tro, xỉ làm VLXD là hợp pháp và có định hướng phát triển bền vững.

Từ đó, Bộ Xây dựng nhận định : Quyết định ban hành "Cơ chế thực hiện xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất để làm nguyên liệu sản xuất VLXD giai đoạn 2014-2020 và định hướng đến năm 2030’’ là hết sức cần thiết và có ý nghĩa to lớn nhằm tiết kiệm tài nguyên, khoáng sản và bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững, thân thiện với môi trường cho các ngành công nghiệp sản xuất điện, sản xuất phân bón hóa chất, thép và công nghiệp sản xuất VLXD trong nước, phù hợp với xu hướng phát triển của các nước trong khu vực và thế giới.

Trước đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao Bộ Xây dựng, Công thương chủ trì phối hợp với các chủ đầu tư các dự án nhà máy nhiệt điện, các nhà máy xi măng có liên quan để thống nhất cơ chế phối hợp, sử dụng tối đa lượng tro xỉ thải ra từ các nhà máy nhiệt điện làm phụ gia cho nhà máy xi măng và sản xuất VLXD.

Vân Anh - Báo Xây dựng

TIN MỚI ĐĂNG