Đặt lên bàn cân tính lợi - hại của tấm lợp fibro - ximăng

11-12-2014
Dân trí Mỗi năm, Việt Nam tiêu thụ cả trăm triệu m2 tấm lợp fibro - ximăng với thành phần là amiăng trắng (chrysotile). Trong khi có rất nhiều cảnh báo về tác động tiêu cực của amiăng trắng đối với sức khỏe con người, giải pháp thực tế nhất là sản xuất, sử dụng một cách có kiểm soát…

Ngày 12/10, Bộ Xây dựng cùng UB Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Đánh giá tác động của amiăng trắng đến sức khỏe con người – Biện pháp quản lý phù hợp”. Hội thảo quy tụ những chuyên gia nghiên cứu hàng đầu thế giới, đến từ các nước có truyền thống và kinh nghiệm sản xuất, sử dụng và kiểm soát các sản phẩm từ amiăng trắng, nhất là tấm lợp.

Điều hành hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, amiăng trắng được biết đến từ nhiều thế kỷ, đang được sử dụng rộng rãi trên các nước hiện nay. Việt Nam cũng nhập khẩu amiăng trắng, chủ yếu để sản xuất tấm lợp fibro - ximăng. Loại vật liệu này được sử dụng phổ biến từ những năm 1960 với hàng chục triệu gia đình.
Đặt lên bàn cân tính lợi - hại của tấm lợp fibro - ximăng
Công nghệ sản xuất tấm lợp fibro - ximăng hiện nay được cho là có đủ điều kiện kiểm soát việc phơi nhiễm độc amiăng trắng với con người.
 
Bài toán đặt ra về những tác động tiêu cực tới sức khỏe con người của amiăng trắng, Chuyên viên Cục Quản lý Mô trường Y tế (Bộ y tế) Nguyễn Thị Thu Huyền cho biết, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, amiăng là một trong những chất gây ung thư nghề nghiệp, là nguyên nhân của khoảng ½ số tử vong do ung thư nghề nghiệp.

Bà Huyền dẫn chứng số liệu báo cáo của WHO, ước tính toàn cầu ít nhất có 107.000 người hàng năm chết do ung thư phổi, ung thư trung biểu mô liên quan đến amiăng và bệnh bụi phổ amiăng do tiếp xúc nghề nghiệp. Bà Huyền cũng cho hay, tính đến cuối năm 2013, trên thế giới có 54 quốc gia đã chính thức cấm amiăng.

Tuy nhiên, cũng từ nguồn WHO, PGS. TSKH Bạch Đình Thiên - Viện trưởng Viện nghiên cứu và ứng dụng Vật liệu Xây dựng Nhiệt đới lại thông tin, tổ chức Y tế thế giới nhận định, vấn đề amiăng ngày nay là vấn đề vệ sinh công nghiệp, nó không liên quan đến sức khỏe của bộ phận cộng đồng dân cư. Ông Thiên nhấn mạnh, nguy cơ các tác động tiêu cực của amiăng trắng lên cộng đồng dân cư là không đáng kể nếu không tiếp xúc nghề nghiệp với khoáng chất này.

Hiện nay có 149 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 3/4 dân số thế giới đang  cho phép sử dụng amiăng trắng và các sản phẩm chứa amiăng trắng, trong đó có các nước G8 gồm Mỹ, Canada, Liên bang Nga… Nhiều nước lân cận Việt Nam như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan… cũng sử dụng phổ biến loại vật liệu này.

TS.David Bernstein – Nhà tư vấn độc học Thụy Sỹ nêu rõ trong tham luận của mình, các nghiên cứu độc học và các nghiên cứu dịch tễ học đều cho thấy amiăng trắng không liên quan đến bệnh ung thư trung biểu mô.

Theo ông Bernstein, các nghiên cứu độc hại gần đây cho thấy, amiăng trắng có tính bền sinh học tương đối kém và không gây ra các phản ứng bệnh lý kể cả trong các nghiên cứu độc học hô hấp cận mạn tính với nồng độ phơi nhiễm lớn hơn gấp 5.000 lần so với mức giới hạn của Mỹ. 

Những ảnh hưởng về sức khỏe của amiăng trắng mà mọi người hay nhắc đến là những ảnh hưởng trong điều kiện làm việc không có sự kiểm soát về việc phát tán bụi và hiện tượng đó xảy ra cách đây khoảng 50 năm. Lúc đó, chưa có công nghệ để kiểm soát sự phát tán bụi amiăng khiến xưởng sản xuất loại vật liệu này thường như có sương mù, 2 người đứng ngay cạnh nhau mà gần như không nhìn thấy nhau.

Với công nghệ hiện đại ngày nay. TS.David Bernstein khẳng định, các nhà máy có thể kiểm soát việc phát tán bụi thấp và với nồng độ như thế các nghiên cứu có thể chỉ ra rằng có thể sử dụng amiăng trắng một cách an toàn.

Một thống kê cụ thể tại Việt Nam được trình bày bởi TS. Lê Thị Hằng - Giám đốc Bệnh viện Xây dựng - cho thấy, kết quả kiểm tra năm 2014 trên 1.000 công nhân của 20 đơn vị sản xuất tấm lợp tấm lợp và vật liệu có sử dụng amiăng thể hiện, tỷ lệ mắc cao nhất là bệnh về răng hàm mặt (chiếm 69,2%), bệnh viêm mũi – họng – xoang – thanh quản mạn tính (chiếm 53,9%), bệnh về mắt, thận, tiết niệu… Nhóm nghiên cứu không ghi nhận trường hợp nào mắc bụi phổi amiăng, bụi phổi silic, tổn thương mảng màng phổi.

Ghi nhận các ý kiến khác nhau, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam khẳng định, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu, tập hợp các thông tin khoa học và quản lý hữu ích, báo cáo Thủ tướng trước ngày 30/12/2014.

Phương Thảo - Báo Dân trí

TIN MỚI ĐĂNG