Nhiều doanh nghiệp SX tấm lợp phải giảm sản lượng

24-04-2015

(Xây dựng) - Năm 2014, các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội tấm lợp Việt Nam sản xuất được 79 triệu m2 tấm lợp phibro xi măng, trong đó tiêu thụ 77 triệu m2 (giảm 6,1% so với năm 2013).


Tiến sỹ Võ Quang Diệm

Khó khăn còn nhiều song ngành tấm lợp Việt Nam vẫn phấn đấu đạt kế hoạch năm 2015: Sản xuất 87 triệu m2, tiêu thụ 82 triệu m2 (tăng 6% so với 2014). Quý 1/2015 một số doanh nghiệp sản xuất tấm lợp khu vực miền núi phía Bắc và khu vực miền trung tiêu thụ ổn định. Để hiểu rõ hơn những nỗ lực của các doanh nghiệp tấm lợp Việt Nam cũng như vai trò của Hiệp hội trong việc thúc đẩy ngành tấm lợp Việt Nam phát triển, Báo Xây dựng đã có cuộc phỏng vấn Tiến sỹ Võ Quang Diệm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam.

Thành công lớn nhất trong thời gian qua mà các doanh nghiệp sản xuất tấm lợp Việt Nam đạt được là gì, thưa ông?

TS. Võ Quang Diệm: Thành công của ngành sản xuất tấm lợp phibro xi măng gắn liền với các chính sách của Chính phủ. Phải nói rằng với Quyết định 133/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngành tấm lợp được tiếp tục tồn tại. Với quyết định 121/2008/QĐ-TTg, nhờ có chủ trương cho phép đầu tư mới, nên ngành tấm lợp phát triển nhanh: Hoàn thiện về công nghệ, tăng quy mô các dây chuyền, tăng tổng công suất thiết kế lên 106 triệu m2.Với Quyết định 1469/QĐ-TTg ngành tấm lợp phải hiện đại hóa để đáp ứng các tiêu chí bắt buộc và sẽ trở thành ngành có mức độ tự động hóa cao, sạch và an toàn. Thành công không thể không nhắc tới là chúng ta làm chủ hoàn toàn công nghệ sản xuất, có nhiều cải tiến hợp lý hóa dây chuyền và ngành cơ khí trong nước hoàn toàn có khả năng thiết kế, chế tạo cung cấp thiết bị đồng bộ. Ngành tấm lợp cũng đã làm tốt công tác khám bệnh nghề nghiệp, đo môi trường lao động, tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, y tế và công bố hợp quy chất lượng sản phẩm...

Thưa Tiến sỹ, việc áp dụng công nghệ tiên tiến được áp dụng như thế nào trong các doanh nghiệp sản xuất tấm lợp thời gian qua?

TS. Võ Quang Diệm: Việt Nam sử dụng công nghệ xeo-cán (công nghệ ướt để sản xuất tấm lợp phi bro xi măng), công nghệ này đã tồn tại hơn 100 năm và có mặt ở Việt Nam hơn 52 năm. Người Việt Nam đã không ngừng cải tiến và hoàn thiện công nghệ, đến nay đã làm chủ hoàn toàn công nghệ và chế tạo cung cấp thiết bị đồng bộ với trình độ tự động hóa cao. Yêu cầu đối với một dây chuyền sản xuất tấm lợp phibro xi măng ở mức độ công nghệ thích hợp là: Tự động hóa hoặc cách ly và che kín công đoạn nghiền và định lượng amiăng, sử dụng xi măng rời, sử dụng nước tuần hoàn, tự động hóa công đoạn tọa sóng và dỡ khuôn, dưỡng hộ sản phẩm bằng nhiệt thủy hóa xi măng. Với công nghệ ướt, dây chuyền đạt tiêu chí công nghệ thích hợp, tổ chức sản xuất khoa học, áp dụng các biện pháp xử lý mới là hoàn toàn kiểm soát được ô nhiễm bụi sợi, ô nhiễm bụi, nước thải, chất thải rắn. Hiện nay có 95% công suất thiết kế đạt mức độ công nghệ thích hợp, trong đó 40% có trình độ tự động hóa cao. 5% còn lại đang lắp đặt thiết bị tạo hình và dỡ khuôn tự động. Doanh nghiệp đang triển khai thực hiện các quy định của quyết định 1469/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22/8/2014 và các quy định của luật doanh nghiệp.

Thưa Tiến sỹ, trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, các doanh nghiệp tấm lợp Việt Nam có gặp phải khó khăn gì cần tháo gỡ?

TS. Võ Quang Diệm: Thời gian qua, dù đã được Nhà nước tạo những điều kiện thuận lợi hỗ trợ hoạt động sản xuất, phát triển, song hiện nay các doanh nghiệp sản xuất tấm lợp Việt Nam vẫn còn gặp không ít khó khăn. Trước tiên phải thấy rằng các cơ sở sản xuất tấm lợp chú yếu nằm ở miền xuôi, nhưng sản phẩm chủ yếu tiêu thụ ở khu vực miền núi, nên chi phí vận chuyển tăng do kiểm tra xe quá tải gắt gao, giá sản phẩm thì rẻ, do đó sản xuất không hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp phải giảm sản lượng đến 50%. Mặt khác, chính sách của Chính phủ về việc cho phép sử dụng amiăng trắng có kiểm soát không ổn định, quan điểm của nhiều bộ ngành khác biệt nhau làm cho doanh nghiệp không an tâm đầu tư phát triển và sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, hoạt động tuyên truyền chống amiăng đã thổi phồng mức độ độc hại của amiăng trắng gây hoang mang dư luận và người tiêu dùng. Một vài người có học hàm, học vị nhưng thiếu thông tin, không cập nhật được các kết quả nghiên cứu mới nhất về amiăng trắng đã phát biểu thiếu khách quan trên một số phương tiện truyền thông, gây bất lợi cho ngành sản xuất và tiêu thụ tấm lợp... Tất cả những vấn đề nêu trên đã tạo nên những tác động bất lợi cho ngành tấm lợp.


Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương thăm Công ty Cổ phần An Phúc Yên Bái vào đầu năm 2015.

Với vai trò của mình, Hiệp hội đã hỗ trợ như thế nào cho các doanh nghiệp sản xuất tấm lợp Việt Nam, thưa Tiến sỹ?

TS. Võ Quang Diệm: Từ ngày thành lập đến nay, Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam hoạt động đúng tôn chỉ mục đích là đại diện cho doanh nghiệp, nói tiếng nói của doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, là cầu nối giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý.

Mong muốn của các doanh nghiệp ngành tấm lợp là chính sách của Nhà nước phải ổn định lâu dài, để doanh nghiệp yên tâm đầu tư phát triển, sản xuất kinh doanh, đồng thời mong muốn các bộ, ngành khi kiến nghị chính sách về sử dụng amiăng trắng lên Chính phủ phải nghĩ đến công ăn việc làm của người lao động, dựa trên cơ sở khoa học và bằng chứng thực tiễn ở Việt Nam, xem xét và cân nhắc các điều kiện cụ thể về thu nhập, mức sống, điều kiện khí hậu...

Trách nhiệm của Hiệp hội là kiến nghị lên Chính phủ, các Bộ ngành xem xét các nguyện vọng của doanh nghiệp, cho phép sử dụng amiăng trắng có kiểm soát để sản xuất tấm lợp. Hiệp hội còn có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu, giải thích, chứng minh để cơ quan quản lý cũng như các phương tiện thông tin đại chúng hiểu rằng Amiăng trắng khác amiăng Amphibole về màu sắc, tính chất, cấu trúc và mức độ độc hại. Các kết quả nghiên cứu khoa học khẳng định rằng amiăng trắng có thể sử dụng an toàn với sự kiểm soát chặt chẽ.

Mặt khác Hiệp hội cũng kiên quyết yêu cầu doanh nghiệp phải nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật quy định trong Quyết định 1469/QĐ-TTg, các quy định về môi trường, khám bệnh nghề nghiệp, đo môi trường lao động cũng như thực hiện công bố hợp quy chất lượng sản phẩm. Hoạt động của Hiệp hội góp phần cung cấp thông tin, số liệu làm cơ sở để các Bộ, ngành thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ chính sách về amiăng trắng trong các quyết định của Thủ tướng chính phủ, đồng thời phản biện lại những thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận và bất lợi cho ngành sản xuất tấm lợp.

Xin trân trọng cảm ơn Tiến sỹ!

Trần Đình Hà - Báo Xây Dựng

TIN MỚI ĐĂNG