Kêu gọi cấm sử dụng amiang trắng trong sản xuất tấm lợp vì sức khoẻ cộng đồng: Chưa thuyết phục

02-11-2015
(Xây dựng) Bất chấp những nghiên cứu khoa học và ứng dụng thực tế hữu ích của amiang chrysotile (amiang trắng), rất nhiều các chiến dịch truyền thông kêu gọi sự ủng hộ cho việc cấm sử dụng amiang trắng trên toàn thế giới, đánh đồng amiang trắng với amiang nâu và xanh. Không khó để cảm nhận rằng đằng sau chiến dịch đó thực sự phải là một mục tiêu siêu lợi nhuận mới khiến người ta kiên trì, quyết liệt bức tử ngành công nghiệp nhỏ bé này mà lý do “vì sức khoẻ cộng đồng” chỉ là cái cớ thiếu cơ sở khoa học.




Kết quả hội chẩn phim XQ cho thấy không có nguy cơ gây ung thư phổi trong lao động ngành công nghiệp amiang trắng

Amiang trắng không phải là “tội đồ”

Nếu đứng trên quan điểm vì sức khỏe người lao động và cộng đồng thì có vẻ như một số cơ quan chức năng đang nghiêm trọng hoá vấn đề khi trong cuộc sống có rất nhiều thứ độc hại hơn amiăng trắng mà hàng ngày chúng ta phải tiếp xúc, hít thở, ăn uống…cần quản lý chặt.

Nhiều chất trong số chúng cũng nằm trong danh mục Chuyên khảo 100c của cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) thuộc Tổ chức Y tế thế giới như: thuốc lá, rượu, bia, chất cấm trong chăn nuôi, chất bảo quản, thuốc bảo vệ thực vật, chất tạo nạc, các chất nhuộm màu, bụi gỗ, ngành công nghiệp cao su, than đá, sản xuất than cốc, khai thác mỏ dưới lòng đất, sơn, ô nhiễm không khí ngoài trời…

Ngồi mà tính nhẩm cả nước mỗi năm bắt được bao nhiêu vụ vi phạm VSATTP và số người bị ngộ độc thì hơi bị khó bởi nó quá mênh mang. Chỉ xin mượn một chút số liệu thống kê này thôi: "Mỗi năm, Việt Nam có từ 130.000-160.000 trường hợp mắc mới ung thư, 115.000 người tử vong do căn bệnh này (gấp 7-10 lần số trường hợp tử vong do tai nạn giao thông)".

Theo các chuyên gia, tỉ lệ này tiếp tục gia tăng khi môi trường ngày càng ô nhiễm, thực phẩm bẩn, trái cây tẩm độc... được phát hiện nhiều hơn. Những con số thống kê của nhà chức trách chắc chắn chỉ điểm được các vụ ngộ độc nghiêm trọng, có báo cáo. Và chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, còn hậu quả do hóa chất bảo quản, tẩm ướp, chất kích thích tăng trưởng, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật với sức khoẻ người dân thì khó có thể tính toán chính xác được. Thực tế, chúng ta có đủ hệ thống văn bản luật

về ATTP quy định rõ về tội danh và hình phạt đối với tội Vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa thực sự mạnh tay áp luật?

Quay trở lại với câu chuyện của ngành sản xuất tấm lợp phibrô xi măng mà amiang là chủ thể, tại một diễn biến khác, bất chấp các quy định của pháp luật, một số cá nhân có tư tưởng chống amiăng trắng một cách cực đoan đã vận động, lôi kéo các tổ chức tham gia chống amiăng trắng bằng các hình thức tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị …, sử dụng các phương tiện truyền thông tuyên truyền thổi phồng sai sự thật về mức độ độc hại của amiăng trắng gây hoang mang dư luận, vận động cấm ami ăng trắng, vận động người tiêu dùng tẩy chay tấm lợp phibro xi măng, gây thiệt hại nặng nề cho ngành sản xuất tấm lợp phibro xi măng ở Việt Nam.

Đặc biệt văn bản số 731/LHHVN-TCCB ngày 06/10/2015 của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam gửi các bộ ngành của Chính phủ, các Ủy Ban của Quốc hội, các Ban của Đảng, các tổ chức chính trị xã hội, các phương tiện truyền thông đại chúng về kết luận và khuyến nghị của cái gọi là hội thảo: “Sự tham gia của các tổ chức xã hội đóng góp cho Kế hoạch hành động quốc gia loại trừ các bệnh liên quan đến amiăng”.

Theo TS. Võ Quang Diệm thì: Việc một tổ chức khoa học uy tín bất chấp các kết quả nghiên cứu của các đồng nghiệp trong nước, không cập nhật thông tin, không tìm hiểu, nghiên cứu thấu đáo kết quả của hàng trăm công trình nghiên cứu về ảnh hưởng của amiăng trắng đối với sức khỏe con người của các nhà khoa học cả hai phía ủng hộ và chống amiăng trắng để phân biệt ai đúng, ai sai, ai ngụy khoa học, ai là khoa học chân chính, để tìm ra chân lý khoa học, mà đã vội vàng hùa theo những người có quan điểm cực đoan chống amiăng trắng, vận động cấm amiăng trắng, vận động tẩy chay sản phẩm tấm lợp hữu ích thiếu các chứng khoa học và thực tiễn xác thực là thiếu khách quan, không công bằng, gây tổn hại nghiêm trọng không chỉ cho ngành sản xuất tấm lợp phibro xi măng Việt Nam, mà còn ảnh hưởng đến danh dự của tổ chức mình và các nhà khoa học chân chính. Liệu đây là việc làm chín chắn, có trách nhiệm? là phản biện xã hội? là phản biện khoa học?. Điều nguy hiểm là việc này dễ gây nên sự hiểu sai lệch về amiăng trắng trong xã hội cũng như trong việc tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội xây dựng và ban hành chính sách sử dụng amiăng trắng phù hợp ở Việt Nam.


Mái lợp phibro xi măng là vật liệu thân thiết của những mái ấm đồng bào vùng cao

Ngành công nghiệp sản xuất tấm lợp amiang đang “chơi” đúng Luật

Ở Việt Nam amiăng trắng được sử dụng để sản xuất tấm lợp đã hơn 50 năm. Các kết quả nghiên cứu về ảnh hưởng của amiăng trắng đối với sức khỏe con người ở Việt Nam của: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bệnh viện Xây dựng, Cục Quản lý Môi trường Y tế và kết quả khám bệnh nghề nghiệp cho công nhân ngành sản xuất tấm lợp phibro xi măng hàng năm chưa tìm thấy mối liên hệ của amiăng trắng với các bệnh ung thư trung biểu mô.

Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học uy tín trên thế giới và tại Việt Nam về ảnh hưởng của amiăng trắng đối với sức khỏe con người đã khẳng định rằng:

Amiăng chrysotile (amiăng trắng) khác với amiăng amphibol (nâu và xanh) về cấu trúc hóa học, tính chất hóa lý và mức độ độc hại. Amiăng trắng hoàn toàn có khả năng được sử dụng một cách an toàn và có kiểm soát như hiện nay tại các quốc gia Mỹ, Nga, Canada, Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nước khác…; Việc 147 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 6 tỷ người đang cho phép sử dụng amiăng trắng và các sản phẩm có chứa amiăng trắng, trong đó có các nước G8 như: Mỹ, Canada, Nga, các nước kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazin, cũng như 04 quốc gia và vùng lãnh thổ đã từng cấm Amiang trắng nhưng sau đó đã dỡ bỏ lệnh cấm: Mỹ (năm 1993), Singapore và Đài Loan (năm 2011), Mông Cổ (năm 2012) là một bằng chứng khẳng định điều đó.

Đề tài "Nghiên cứu đánh giá hiện trạng Môi trường các cơ sở sản xuất tấm lợp Amiang Xi măng (AC) và những ảnh hưởng của Amiang đối với sức khỏe con người - Kiến nghị các giải pháp", trong đó có nội dung: “Nghiên cứu, đánh giá những ảnh hưởng của Amiang đến sức khỏe con người”, do Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo thực hiện trong các năm 2002-2003 có kết luận như sau: Kết quả nghiên cứu, điều tra đối với các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất gồm 1.032 công nhân đang làm việc tại 10 cơ sở sản xuất tấm lợp AC có độ tuổi từ 30 – 50, trong đó có 80 người có thời gian công tác tới 30 năm và 14 công nhân đã về hưu cho thấy chỉ có 04 ca (chiếm 0.4% ) nghi bị bụi phổi amiăng thể nhẹ, tỷ lệ này so với tổng số công nhân làm việc trong các cơ sở sản xuất tấm lợp AC chỉ là 0,08%. Đây là một tỷ lệ tương đối thấp so với các ngành sản xuất khác.

Cụ thể là: bệnh bụi phổi silíc ở công nhân khai thác than là 11,62%, công nhân luyện kim đen là 9,7%, công nhân sản xuất xi măng là 11,87%.

Cục quản lý Môi trường Y tế - Bộ Y tế được Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản - thông qua Tổ chức Y tế thế giới (WHO) - tài trợ triển khai đề tài nghiên cứu cấp Bộ trong 3 năm 2009 – 2011: “Nghiên cứu các bệnh liên quan đến amiang ở những người tiếp xúc”. Kết quả phỏng vấn tìm tiền sử nghề nghiệp liên quan đến amiăng ở 447 trường hợp vào nhập viện tại 06 bệnh viện lớn tham gia nghiên cứu cho thấy có 46 trường hợp được chẩn đoán ung thư trung biểu mô màng phổi (Mesothelioma màng phổi). 39 mẫu bệnh phẩm đối tượng được chẩn đoán ung thư trung biểu mô sau đó được lựa chọn gửi sang Bệnh viện Hiroshima, Nhật Bản đã được chuyên gia Nhật Bản xác định chẩn đoán là 08 trường hợp trong đó không có trường hợp nào có tiền sử rõ ràng tiếp xúc nghề nghiệp với amiăng.

Tại sao lại phải cấm amiăng trắng trong sản xuất tấm lợp ở một đất nước thường xuyên bị thiên tai, bão lũ, lốc xoáy, nhu cầu tấm lợp giá rẻ đang rất cần cho người có thu nhập thấp, cho vùng sâu, vùng xa, trong khi việc sử dụng amiang trắng để sản xuất tấm lợp phibro xi măng là hoàn toàn phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam tại khoản 1, Điều 7 Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH 13, phù hợp với khoản 3 Điều 6 và khoản 2 (mục 126 phụ lục 4), khoản 3 Luật Đầu tư số 67/2014/QH13.

Liên quan đến cơ sở khoa học trong quản lý sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng sử dụng amiang trắng, báo Xây dựng sẽ tiếp tục đề cập trở lại trong các số báo tới.

Huệ Anh – Đào Anh

TIN MỚI ĐĂNG