Amiang không gây ra các bệnh lý về phổi và ung thư

02-11-2015
(Xây dựng) - Đây là kết luận mới nhất của Hội đồng hội chẩn bệnh nghề nghiệp cho các công nhân làm việc tại các nhà máy sản xuất tấm lợp fibrô ximăng do Bệnh viện Xây dựng (Bộ Xây dựng) tổ chức vào ngày 28/10.



Các chuyên gia tiến hành hội chẩn.

Thành viên Hội đồng chẩn bệnh là các chuyên gia trong nước về chuẩn đoán hình ảnh, bệnh phổi và bệnh nghề nghiệp. Năm nay đã có hơn 1.000 cán bộ công nhân viên làm việc tại các nhà máy sản xuất tấm lợp fibrô ximăng tiến hành khám bệnh bụi phổi Amiang nghề nghiệp. Trong đó, các bác sĩ đã chọn hơn 700 phim đạt tiêu chuẩn đem ra thảo luận tại hội đồng. Từ những kết quả đánh giá, Hội đồng chẩn bệnh kết luận: Không có trường hợp nào mắc bệnh bụi phổi amiang.


TS Lê Thị Hằng, Giám đốc Bệnh viện Xây dựng.

TS Lê Thị Hằng, Giám đốc Bệnh viện Xây dựng, thành viên Hội đồng chẩn bệnh phát biểu tại hội nghị: “Từ năm 1976, Việt Nam đã công nhận bệnh xơ hóa phổi do phơi nhiễm tiếp xúc bụi Amiang là bệnh nghề nghiệp. Cho đến nay đã phát hiện 03 trường hợp mắc bệnh bụi phổi Amiang thể nốt xơ hóa nhẹ. Nguy cơ mắc bệnh do Amiang phụ thuộc và tăng theo thời gian, cường độ tiếp xúc, kích thước và cấu trúc hóa học của bụi sợi Amiang”.

Trả lời cho câu hỏi Bệnh viện Xây dựng là cơ quan thuộc Bộ Xây dựng nên kết quả đánh giá sẽ không được khách quan và công bằng, TS BS Lê Thị Hằng khẳng định: “Các chuyên gia của hội đồng chẩn bệnh đều là những nhà nghiên cứu bệnh nghề nghiệp hàng đầu Việt Nam. Như vậy, kết luận của Hội đồng là kết luận chung của các nhà nghiên cứu chứ không phải là kết luận đơn phương của Bệnh viện Xây dựng. Chúng tôi đã xem xét kỹ lưỡng từng trường hợp, mỗi thành viên trong hội đồng tự đưa ra đánh giá riêng rồi cùng thảo luận, cuối cùng đưa ra kết luận cụ thể. Như vậy, từng trường hợp sẽ được xem xét một cách khách quan nhất, chính xác nhất”.


GS Hoàng Đức Kiệt, nguyên Chủ tịch Hội điện quang y học hạt nhân Việt Nam.

Theo GS Hoàng Đức Kiệt, nguyên Chủ tịch Hội Điện quang y học hạt nhân Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng chẩn bệnh, việc quy hết các trường hợp ung thư trung biểu mô ở Việt Nam là do phơi nhiễm với amiang là không khách quan. Việc sử dụng các con số này sẽ gây định hướng sai lệch cho truyền thông và dư luận, khiến hiểu sai về kết quả khoa học.


PGS.TS Trần Thị Ngọc Lan, chuyên gia cao cấp về bệnh nghề nghiệp, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, Bộ Y tế.

PGS. TS Trần Thị Ngọc Lan, chuyên gia cao cấp về bệnh nghề nghiệp, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Bộ Y tế nhận định rằng: “Những ứng dụng tiện ích mà amiang đem lại là không thể phủ nhận. Hiện nay, các nhà nghiên cứu đã ghi nhận amiang nâu và xanh là tác nhân gây các bệnh lý về phổi và ung thư. Tại Việt Nam, những chất này đã bị cấm sử dụng. Tuy nhiên, chúng ta chưa ghi nhận một trường hợp bệnh lý nào liên quan đến amiang trắng. Vậy nên xã hội cần phải có cách nhìn đúng đắn về vấn đề này”.

Bên cạnh tổ chức chẩn bệnh cho các lao động nghề nghiệp cho các công nhân làm việc tại các nhà máy sản xuất tấm lợp fibrô ximăng, Bệnh viện Xây dựng còn tổ chức tiến hành khảo sát thực trạng môi trường và sức khỏe dân cư của xã Tân Trịnh, huyện Quang Bình, Hà Giang. Cuộc khảo sát tiến hành tại 30 vị trí khu vực nhà dân xã Tân Trịnh nhưng không phát hiện bụi amiang. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các mẫu đo bụi hô hấp và nồng độ bụi sợi amiang từ 1,4 - 2,8 (mg/m3) đều đạt tiêu chuẩn vệ sinh lao động.

Đào Anh

TIN MỚI ĐĂNG