Nga, Kazakhstan khuyến nghị Việt Nam về dự kiến cấm amiăng trắng

10-07-2017
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tuần trước, tại cuộc họp với gần 500 doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Thương mại – UB Kinh tế Á-Âu đề cập việc Việt Nam dự kiến áp đặt lệnh cấm nhập khẩu amiăng trắng với khuyến cáo, việc cấm bất cứ sản phẩm nào phải có thông báo, tham vấn, đàm phán trước và phải có các bằng chứng khoa học cụ thể đưa ra…

 Đề xuất cấm sử dụng amiăng trắng vào năm 2020, rồi sau đó là năm 2023 nhằm “loại bỏ các bệnh liên quan đến amiăng” được đưa ra dù các nghiên cứu khoa học cấp Bộ tại Việt Nam hiện vẫn khẳng định, đến nay, chưa có trường hợp ung thư nào được tìm thấy do liên quan đến amiăng.

Trong tháng 6, hàng loạt đơn thư cầu cứu có chữ ký của công nhân các nhà máy được gửi đến Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành mong có một chính sách ổn định để hoạt động.

Những người trong ngành đặt vấn đề, đề xuất đưa sợi PVA vào thay thế amiăng trắng để sản xuất các loại vật liệu là chưa thuyết phục vì chưa phân định rõ ràng dẫn tới đánh đồng các loại amiăng với nhau. Thực tế, nhóm sợi amiăng nâu và xanh đã bị Việt Nam và cả thế giới cấm sử dụng hoàn toàn dưới mọi hình thức. Riêng sợi amiăng trắng cho đến nay vẫn được sử dụng một cách an toàn và có kiểm soát tại nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Nga, Ấn độ, Brazil, Trung Quốc, Thái Lan... Tại Việt Nam, sợi amiăng trắng bắt đầu được sử dụng gần 60 năm qua, từ năm 1963.

Thực tế, tại Việt Nam đã có nghiên cứu của Bộ Tài nguyên - Môi trường năm 2002-2003 ("Nghiên cứu, đánh giá hiện trạng Môi trường các cơ sở sản xuất tấm lợp amiăng xi măng và những ảnh hưởng của amiăng đối với sức khỏe con người - Kiến nghị các giải pháp") với kết luận: “Chưa phát hiện được trường hợp nào có các bệnh ác tính như ung thư phổi phế quản và ung thư trung biểu mô do liên quan đến amiăng trắng”.

“Nghiên cứu các bệnh liên quan đến amiăng ở những người tiếp xúc” được Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản thực hiện năm 2009 - 2011 thông qua Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tài trợ cho Cục quản lý Môi trường Y tế, Bộ Y tế Việt Nam cũng đã kết luận “không có trường hợp bệnh nhân nào có tiền sử tiếp xúc rõ ràng với amiăng”.

“Hồ sơ Quốc gia về amiăng” từ 2009 đến 2012 được xây dựng bởi Bộ Y tế và Viện Khoa học Kỹ thuật Bảo hộ lao động - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng khẳng định chưa tìm thấy trường hợp người bệnh nào bị ung thư phổi hay ung thư trung biểu mô do liên quan đến amiăng trắng.

Ngày 6/6/2017, trưởng Cơ quan đại diện thương mại Nga tại Việt Nam đã chuyển tới Bộ Công Thương công hàm số T704-438 của Thứ trưởng Bộ Phát triển kinh tế Liên bang Nga S.S Voskresenky. Công hàm thể hiện sự quan ngại về việc Chính phủ Việt Nam xem xét, cấm nhập khẩu và sử dụng amiăng trắng tại Việt Nam vào năm 2020 mà không có cơ sở khoa học.

Vấn đề này, một lần nữa lại được nêu ra trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tuần trước, tại tọa đàm kinh tế Việt Nam – Nga với sự tham gia của gần 500 doanh nghiệp hai nước nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại và đầu tư trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á – Âu đã có hiệu lực vào đầu năm 2015 giữa các quốc gia Armenia, Belarus, Kazakhstan, Nga, và Kyrgyzstan – thuộc Liên Xô cũ.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Thương mại – UB Kinh tế Á-Âu Veronica Nikishina đặc biệt quan tâm đến vấn đề Việt Nam dự kiến áp đặt lệnh cấm nhập khẩu amiăng trắng. Theo Bộ trưởng Veronica Nikishina, trong Hiệp định Liên minh Kinh tế Á – Âu mà Việt Nam là quốc gia thành viên có điều khoản quy định quốc gia thành viên phải có thông báo, tham vấn và đàm phán trước cho những ý định cấm mặt hàng, sản phẩm bất kỳ và phải có các bằng chứng khoa học đưa ra cho lệnh cấm đó.

60 năm kể từ ngày đầu được sử dụng, amiăng trắng hiện có mặt rộng rãi trong nhiều ngành nghề công nghiệp như sản xuất vật liệu xây dựng, chống cháy, cách điện-nhiệt, chống ma sát, sản xuất nồi hơi trong các ngành công nghiệp đóng tàu, sản xuất ô tô và vật liệu xây dựng…

Ngày nay, 90% lượng amiăng nhập khẩu được sử dụng trong phối trộn sản xuất tấm lợp fibro xi măng. Ngành công nghiệp này đã tồn tại gần 60 năm với 39 cơ sở sản xuất, công suất thiết kế toàn ngành đạt 106 triệu m2/năm và sử dụng hơn 5.000 lao động.

Tấm lợp fibro xi măng chịu đ­­ược những điều kiện khắc nghiệt của thời tiết với tuổi thọ cao (30 – 50 năm) với giá rẻ chỉ bằng 1/3 giá tôn mạ màu loại dày 0,4 mm và thấp hơn từ 40 - 50% loại tấm lợp sử dụng sợi thay thế PVA. Tấm lợp fibro xi măng cung cấp vật liệu xây dựng nhà ở cho người nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn – trong đó có cả người có công với cách mạng.

Kiều Anh báo Dân trí

TIN MỚI ĐĂNG